Tìm kiếm
Thứ Hai, 20/05/2024 07:46

Cần thận trọng khi cố gắng hạ lãi suất huy động

00:05:11 31/01/2013

[thoibaonganhang.vn - 31/01/2013 - TS. Nguyễn Đức Thành] TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách cho biết: dự báo ban đầu của chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012, hướng tới mức 10%. Với kỳ vọng lạm phát như vậy, cần thận trọng với những ý định cố gắng hạ lãi suất huy động trong năm 2013.

 

TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) trả lời phỏng vấn phóng viên Thời báo Ngân hàng.

Hai năm vừa qua, những dự báo của VEPR rất sát thực. Vậy VEPR nhìn thấy điểm sáng nào ở năm 2013?

Năm 2013 chúng tôi kỳ vọng ở những cải cách trong hệ thống ngân hàng tiếp tục được thực hiện, kế hoạch giải quyết nợ xấu được triển khai minh bạch và hữu hiệu.

Chúng tôi cũng mong muốn nhìn thấy những bước đi đầu tiên nhưng vững chắc trong việc cải cách DNNN. Mặc dù cá nhân tôi không mấy kỳ vọng vào sự thay đổi đáng kể của khu vực này, nhưng tôi thấy cần quan sát chặt chẽ việc sửa đổi điều khoản liên quan đến khu vực kinh tế Nhà nước trong Hiến pháp. Cải cách theo hướng thu hẹp DNNN và khu vực kinh tế Nhà nước nói chung là trái tim của công cuộc cải cách kinh tế Việt Nam trong những năm tới, nhằm giúp đất nước lấy lại động lực tăng trưởng.


Theo VEPR, lạm phát 2013 khó đạt mục tiêu

Viện Khoa học xã hội và nhiều chuyên gia cho rằng Việt Nam sẽ rơi vào đáy trong năm 2013, còn ông dự báo thế nào?

Nếu năm 2012 cho thấy thế giới đang đi qua đáy của cuộc khủng hoảng, thì tôi cũng hy vọng Việt Nam sẽ chạm đáy 1 năm sau đó. Cần phải nói như vậy vì gần đây Việt Nam có xu hướng đi sau thế giới và khu vực, vì nội tại nền kinh tế bộc lộ nhiều bất cập và lạc hậu trong mô hình tăng trưởng.

Nhiều nhà kinh tế trên thế giới dự báo tình hình 2013 lạc quan hơn 2012, và các năm tiếp theo thế giới phục hồi tốt hơn nữa. Nghĩa là họ cho rằng 2012 đã là đáy. Nếu họ đúng, ta có thể ước đoán rằng năm 2013 sẽ là đáy của kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, chạm đáy và đi lên của ta không có nghĩa là chúng ta sẽ hòa mình vào với thế giới một cách tự nhiên.

Tôi nghi ngờ điều đó, và e ngại một khuynh hướng phân ly khỏi quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong khu vực của Việt Nam. Bởi vì Việt Nam đã không đạt được nhiều tiến bộ thực sự trong những năm gian khó vừa qua trong cấu trúc và phương thức phát triển kinh tế.

Thực ra chúng ta đã có những bước thoái bộ do khu vực kinh tế Nhà nước, gồm cả DN lẫn ngân hàng, đã trở nên mạnh mẽ hơn một cách tương đối so với các khu vực còn lại của nền kinh tế. Trong khi điều ngược lại mới đúng, tức là khu vực tư nhân phải được cởi trói và ưu tiên hơn, nguồn lực được dịch chuyển từ khu vực Nhà nước sang khu vực tư nhân.

Nhưng chúng ta đã không làm được điều này, vì đa phần các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đều chỉ có lợi cho khu vực kinh tế Nhà nước. Và vì thế, tôi cho rằng khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này, Việt Nam sẽ phải tự cải cách một lần nữa, nếu không sẽ đi theo một quỹ đạo khác, kém may mắn hơn các nước khác.

Hạ lãi suất là vấn đề được khuyến nghị rất nhiều thời gian qua?

Nếu thực sự hạ được lãi suất cho vay ra, thì DN sẽ được lợi và kinh doanh có thể khởi sắc hơn. Song để hạ lãi suất cho vay, cần phải hạ tiếp lãi suất huy động. Tuy nhiên nếu không cẩn trọng có thể ảnh hưởng đến cân đối trên thị trường ngoại hối và lạm phát. Có một đặc điểm là trong năm 2012 vừa rồi, tất cả các kênh đầu tư đều trở nên bất trắc cao độ và lợi suất thấp, nên người dân gửi tiền vào ngân hàng nhiều, bất chấp lãi suất liên tục hạ.

Điều này vẫn có thể tiếp diễn trong năm 2013. Thậm chí, ta có thể điều hành lãi suất thực âm, tức là lãi suất huy động có thể thấp hơn lạm phát kỳ vọng. Nhưng đó là một hành động rất mạo hiểm, vì rất có thể dòng tiền sẽ đảo ngược và chuyển sang các loại tài sản khác.

Dự báo ban đầu của chúng tôi cho rằng lạm phát năm 2013 sẽ cao hơn năm 2012, hướng tới mức 10%. Với kỳ vọng lạm phát như vậy, cần thận trọng với những ý định cố gắng hạ lãi suất huy động trong năm 2013. Do đó, xét trên phương diện kinh tế vĩ mô và ý kiến cá nhân tôi đều không ủng hộ việc hạ lãi suất (huy động) xuống nhanh.

Vậy còn những khuyến nghị nên điều chỉnh tỷ giá để hỗ trợ xuất khẩu?

Tỷ giá VND/USD được kỳ vọng sẽ tăng nhẹ và phụ thuộc vào sự chủ động của NHNN. Điều này cũng phụ thuộc vào khả năng tác động đến chính sách của khối DN xuất khẩu đang rất khó khăn vì giá trị cao của đồng Việt Nam.

Tôi cũng thuộc nhóm những người ủng hộ điều chỉnh tỷ giá, để đồng Việt Nam yếu đi. Tức là điều chỉnh để tỷ giá tăng lên, ví dụ từ 21.000 lên 22.000 đồng/USD. Điều này giúp các DN xuất khẩu và DN sản xuất hàng thay thế nhập khẩu, tức là khu vực DNNVV và công nghiệp phụ trợ. Trong cả năm 2012, chúng ta đã giữ tỷ giá ổn định một cách tự tin, bởi vì chúng ta có thặng dư trên cán cân thanh toán tổng thể.

Có điều kiện để ổn định tỷ giá một cách chủ động là một bước đầu tiên đáng mừng, hơn là không có khả năng đó. Nhưng bước tiếp theo là nên chủ động làm giảm giá đồng Việt, bằng cách mua nhiều hơn lượng USD dư thừa. Tôi khuyến nghị một mức phá giá 4%/năm trong 3 năm liên tục, chừng nào điều kiện về dòng ngoại hối còn tương đối ổn định như hiện nay. Mức phá giá này cũng không phá vỡ cân đối giữa thị trường vốn nội tệ với ngoại tệ, vì chênh lệch lãi suất hiện nay giữa VND và USD là khoảng 5%.

Với khuyến nghị về tỷ giá như ông vừa đưa ra, thì nên chọn kênh đầu tư nào?

Tôi cho rằng thị trường bất động sản (BĐS) cần tiếp tục được điều chỉnh nhiều hơn nữa, thông qua các lực lượng thị trường. Việc can thiệp hành chính hoặc các chính sách hỗ trợ hiện nay có vẻ quá sớm, vừa không cần thiết, vừa không có nhiều hiệu quả.

Về vàng thì tôi nghĩ chúng ta đang đi dần vào sự biến động với thế giới, và dần dần những người đầu tư sẽ phải tự chuyên môn hóa, chuyên nghiệp hóa, chứ không “xô bồ” như thời gian trước. Cũng như sự biến đổi của các nhà đầu tư chứng khoán vậy. Như tôi vừa nói, chênh lệch lãi suất hiện nay giữa VND và USD là khoảng 5%, đây là một căn cứ lựa chọn giữa VND và USD.

VEPR cũng vừa đưa ra những cảnh báo sớm về rủi ro. Vậy đó là rủi ro nào?

Rủi ro nhìn thấy trước là lạm phát cao, nhập siêu và điều hành bằng biện pháp hành chính sẽ trở lại.

Lạm phát trong năm 2013 phụ thuộc nhiều vào diễn biến khó dự báo của giá lương thực-thực phẩm, lạm phát lõi và ảnh hưởng của việc nới lỏng chính sách trong năm 2012. Bên cạnh đó, việc tăng giá điện vào cuối tháng 12/2012 và sự điều chỉnh tiền lương tối thiểu vào giữa năm 2013. Với tất cả những yếu tố đó chắc chắn đóng góp vào mức tăng giá trong năm 2013 nên VEPR cho rằng không khéo điều hành lạm phát 2013 sẽ sát mức 10%.

Cán cân thương mại trong năm tới có thể thâm hụt nhẹ trở lại khi có sự phục hồi nhất định trong sản xuất vào cuối năm.

Chính sách điều hành kinh tế vẫn sẽ phụ thuộc nhiều vào các biện pháp hành chính hơn là thị trường. Chính sách tiền tệ có thể sẽ tiếp tục được mở rộng một cách thận trọng để đạt được sự kích thích tăng trưởng kinh tế nhưng đồng thời đề phòng lạm phát cao quay trở lại.

Ngân sách liên tục chịu áp lực thâm hụt trong cả năm 2013 do thất thu từ thuế và giảm các khoản phải thu khác từ năm 2012.

Cải cách DNNN có thể sẽ được triển khai vào năm 2013, song việc chưa có các quy chế kiểm tra giám sát cụ thể và thông tư hướng dẫn của các Bộ liên quan trong việc thực hiện Nghị định 99 của Chính phủ về phân công, phân cấp việc thực hiện quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm đối với DNNN và vốn của Nhà nước tại các DN, lại chưa có đề án cụ thể để xử lý nợ xấu tại DNNN sẽ khiến cho việc cải cách khó mà thực sự diễn ra hữu hiệu ngay trong năm 2013.

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image