Đăng ký bản tin
Thông báo & Sự kiện
Thứ Hai, 20/05/2024 05:02

Tọa đàm khoa học: "Trung Quốc: Một số vấn đề kinh tế - chính trị sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII"

00:01:09 22/01/2013

Sáng ngày 18 tháng 1 năm 2013, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES) tổ chức cuộc Tọa đàm khoa học “Trung Quốc: Một số vấn đề kinh tế - chính trị sau Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ XVIII

Do ảnh hưởng của Trung Quốc đối với thế giới và khu vực ngày càng lớn, Đại hội XVIII Đảng Cộng sản Trung Quốc – Đại hội chuyển giao quyền lực lãnh đạo từ thế hệ thứ 4 sang thế hệ thứ 5 - thu hút không chỉ sự chú ý của người dân Trung Quốc mà còn của nhiều quốc gia trên thế giới – đặc biệt là các quốc gia lân cận. Trong bối cảnh đó, Tọa đàm khoa học lần này của VCES đã quy tụ được các học giả, các nhà nghiên cứu đầu ngành trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, ngoại giao đến từ nhiều cơ quan nghiên cứu uy tín của đất nước bao gồm: Viện Chiến lược phát triển, Viện Nghiên cứu Quản lí kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch – Đầu tư); Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Kinh tế VN, Trung tâm Phân tích và Dự báo (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam); Hội Khoa học kinh tế Việt Nam; HV Ngoại giao… Ngoài ra còn có sự góp mặt của nhiều chuyên viên cao cấp của Vụ Tổng hợp Kinh tế, Vụ Đông Bắc Á, Vụ Đông Nam Á; các nhà nghiên cứu đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Ngoại giao (Bộ Ngoại giao), Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (Viện Hàn lâm KHXHVN), giảng viên và sinh viên các trường đại học…

                                                                                                       Toàn cảnh buổi Tọa đàm

Trong buổi tọa đàm khoa học, sau khi nghe hai diễn giả (TS. Phạm Sỹ Thành và TS. Võ Trí Thành) trình bày bài tham luận, các học giả cùng nhau trao đổi, thảo luận các kết quả nghiên cứu, quan điểm và nhận định về những vấn đề căn bản tình hình kinh tế, chính trị của Trung Quốc, từ đó có những gợi ý mở, những hàm ý chính sách cho Việt Nam.

TS. Nguyễn Đức Thành (bên trái), Giám đốc VEPR và TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế TQ thuộc VEPR (VCES)

TS. Lưu Bích Hồ tán đồng quan điểm với báo cáo tham luận của TS. Phạm Sỹ Thành, đồng thời dựa vào những nội dung của các chính sách thúc đẩy kinh tế mà tập thể lãnh đạo mới của Trung Quốc đưa ra. Ông cho rằng quốc gia này đang thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa sự phát triển của kinh tế tư nhân. Giới thiệu về chính sách phát triển khoa học – công nghệ mới của Trung Quốc (họp vào ngày 16/1/2013), TS. Lưu Bích Hồ cho biết trọng tâm của chính sách khoa học – công nghệ mới của Trung Quốc sẽ nằm trong 7 lĩnh vực và 16 hạng mục, trong đó có trọng điểm điều tra khảo sát đáy biển.

TS. Lưu Bích Hồ, Nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển, Bộ Kế hoạch & Đầu tư

Nhận định về chuyển đổi phương thức phát triển của Trung Quốc sau Đại hội XVIII, TS. Đặng Xuân Thanh nhấn mạnh các nghiên cứu cần tập trung tìm hiểu hơn nữa về các “ngưỡng” của kinh tế Trung Quốc, xem xét khả năng “đến ngưỡng” hay chưa của nền kinh tế này. Một số “ngưỡng” cụ thể được tiến sĩ trao đổi bao gồm: vấn đề bất bình đẳng, vấn đề chi tiêu cho an ninh nội địa và an ninh quốc phòng, vấn đề môi trường, vấn đề đô thị hóa, các sự kiện mang tính công chúng v.v. Đặc biệt, TS. Đặng Xuân Thanh cho rằng, quá trình chuyển đổi phương thức phát triển ở Trung Quốc không thể tách rời được quá trình cải cách chính trị, xét từ kinh nghiệm thành công cũng như kinh nghiệm thất bại của nhiều quốc gia trên thế giới.

TS. Đặng Xuân Thanh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đông Bắc Á, Viện Hàn lâm KHXHVN

Chia sẻ quan điểm với TS. Đặng Xuân Thanh và quan điểm trong tham luận của TS. Phạm Sỹ Thành, TS. Võ Trí Thành nhận định điều thế giới quan tâm hiện nay không phải là Trung Quốc có thực hiện giảm tốc tăng trưởng kinh tế hay không mà là thực hiện như thế nào. Đồng thời, ông cho rằng, Trung Quốc đang chuyển từ mô hình “10 + 2” (tăng trưởng 10%, lạm phát 2%) sang mô hình “8 + 4”. TS. Võ Trí Thành đề nghị 3 lĩnh vực cần tập trung nghiên cứu về kinh tế Trung Quốc. Đó là: (1) kinh tế chính trị, trong đó đáng chú ý là vai trò của lãnh tụ đối với sự phát triển của Trung Quốc nói chung và kinh tế Trung Quốc nói riêng; tình hình phân quyền ở địa phương; (2) tăng trưởng kinh tế: Trung Quốc đang thực hiện sự chuyển dịch sang “chiến lược cân bằng tăng trưởng”; (3) vấn đề innovation của Trung Quốc.

TS. Lê Kim Sa cũng chia sẻ nhiều trao đổi chuyên sâu về tình hình phát triển kinh tế của Trung Quốc, trong đó nhấn mạnh đến một số điểm như cần có cách nhìn nhận khác về sự phát triển của thị trường bất động sản Trung Quốc, thị trường này đã đáp ứng đủ nguồn cung chưa và giá nhà có bị coi là quá cao không; hay như vấn đề Trung Quốc sẽ đạt ngưỡng lao động lớn nhất vào năm 2015, sau đó sẽ suy giảm nhanh chóng và đối mặt với áp lực dân số già hóa rất nghiêm trọng.

TS. Lê Kim Sa (Trung tâm Phân tích và Dự báo) trao đổi chuyên sâu về tình hình phát triển kinh tế TQ

Với tư cách là người trao đổi chính cho báo cáo tham luận mang tên “Quốc tế hóa đồng Nhân dân tê và tác động đối với Việt Nam” của TS. Võ Trí Thành, TS. Nguyễn Đức Thành hoàn toàn chia sẻ và tán đồng với các kết luận nghiên cứu mà báo cáo đưa ra. Chẳng hạn, tốc độ quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ nhanh hơn rất nhiều so với những gì mà đồng đôla Mỹ và Yên Nhật làm được nhưng quy mô thì còn rất khiêm tốn; nhiều hiệp định SWAP mà Trung Quốc kí kết với các nước mới chỉ dừng ở mức văn bản chưa đi vào thực tiễn v.v. Bên cạnh đó, TS. Nguyễn Đức Thành nhận định mức dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đang ở ngưỡng quá cao so với chuẩn thế giới (18 tháng nhập khẩu so với 6 tháng), điều này đặt Trung Quốc trước một thách thức rất lớn là chi phí cơ hội quá lớn và không tự kiểm soát được. Lượng dự trữ ngoại tệ này như một đập chứa nước khổng lồ mà kích thước của nó còn lớn hơn đập Tam Hiệp. Việc kí kết các SWAP như cách thức để Trung Quốc khơi thông các dòng chảy cho “đập nước” này nhưng chưa thực sự hiệu quả.

TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện NC Quản lí Kinh tế TW trình bày tham luận " Quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ và tác động đối với VN"

Bên cạnh các trao đổi về tình hình kinh tế Trung Quốc, Tọa đàm còn đón nhận những trao đổi của GS. TS. Đỗ Tiến Sâm về tình hình chính trị Trung Quốc trước và sau Đại hội XVIII. Trong đó đáng chú ý là khẩu hiệu “2 cái 100” mà ông Tập Cận Bình nêu lên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Đảng, đó là “phấn đầu 100 năm thành lập Đảng thì hoàn thành xây dựng xã hội khá giả toàn diện; phấn đấu 100 năm thành lập nước thì hoàn thành sự nghiệp hiện đại hóa”. GS. TS. Đỗ Tiến Sâm cũng cho rằng, trọng tâm sắp tới của lĩnh vực cải cách chính trị ở Trung Quốc sẽ là chống tham nhũng.

GS.TS. Đỗ Tiến Sâm, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, Viện Hàn lâm KHXHVN

Song song với phần trình bày và trao đổi các kết quả nghiên cứu là phần thảo luận sôi nổi của các khách mời có mặt tại buổi Tọa đàm. Các chuyên gia đưa ra những nhận xét xác đáng và những đóng góp thẳng thắn, quý báu về nội dung của các phần trình bày.

Một số hình ảnh về cuộc Tọa đàm

 

Bình luận
Gửi bình luận của bạn
Mã xác nhận
Captcha image